DŨNG PHAN
Hãy đi tìm lịch sử, bởi chỉ có lịch sử mới giải thích cho bạn về căn nguyên vấn đề.
Cách đây hơn 4 thế kỷ, chính xác là 460 năm. Vào tháng 10/1558, người con thứ 2 của tướng Nguyễn Kim (vị tướng phục hưng lại nhà Lê), có tên là Nguyễn Hoàng, do đứng trước sự đe dọa đến từ phía người anh rể Trịnh Kiểm (người sẽ mở ra giai đoạn Vua Lê – Chúa Trịnh), nên đã đến vấn kế từ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhận được lời khuyên “Hoành Sơn nhất đái/Vạn đại dung thân”.
Cùng gia quyến và những tướng sĩ thân tín, Nguyễn Hoàng đã xin vào Thuận Hóa (Thừa Thiên Huế hôm nay), để trấn thủ. Lãnh thổ Việt Nam khi ấy không phải hình chữ S như bây giờ, mà mới chỉ từ Phú Thọ xuống đến Huế.
Nguyễn Hoàng không đơn thuần chỉ là giữ đất Thuận Hóa như lời hứa với anh rể. Ông đã thực hiện một hành trình được gọi là … Nam tiến. Từ đất Quảng Trị, Thuận Hóa, từ từ 9 đời chúa Nguyễn kế vị ông đã đi dần xuống phía Nam, đánh bại Chiêm Thành, Chân Lạp , và vẽ nên dải đất chữ S, tạo nên công tích lưu danh nghìn thu. Người đã lấy về đất Gia Định, tức Sài Gòn hôm nay, chính là Nguyễn Hữu Cảnh – một người Quảng Bình.
Trong quá trình mở cõi, di dân, khai hoang lập địa ấy. Những con người Việt Nam đi quanh chúa Nguyễn Hoàng đã phải đối phó với giặc cướp, với thú dữ, với lam sơn chướng khí. Cho nên, họ phải nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau. Tất cả để cùng đối phó với những giặc cướp, với sự quấy phá. Vậy là cách sống hào hiệp, nghĩa khí, bảo vệ nhau, cưu mang nhau đã hình thành trong lòng người miền Nam, như đặc tính dân tha hương cầu thực.
Khi bạn nghe một bài phỏng vấn về người tốt việc tốt ở Sài Gòn, bạn sẽ luôn nghe lý do “Giúp người này thì cũng sẽ có người khác giúp lại mình”. Triết lý sống này vốn là do thời khai hoang của Chúa Nguyễn sinh ra, còn đến hôm nay.
Một điều đặc biệt khác, bởi là vùng đất mới, nên người miền Nam không đậm chất Nho Gia Trung Quốc. Ngoài ra, bởi có quá nhiều dân di cư, lại tiếp nhận thêm cả dân Cham Pa, Chân Lạp, với quá nhiều sắc dân và tôn giáo, nên người miền Nam vì thế rất phóng khoáng, dễ chịu và bàn tay luôn giang rộng với dân tứ xứ.
Một câu chuyện, từ 3 năm trở lại đây, tôi không còn về quê ăn Tết. Trong mỗi đêm giao thừa, khi chủ tịch của thành phố đọc lời chúc Tết, luôn có một câu thế này “Duy trì lối sống tình nghĩa”. Tôi không thể tin vào tai mình khi lần đầu được nghe câu ấy. Một vị chủ tịch, thay vì nói những câu “Tiến lên, tiến mạnh” …thì nói một câu đậm chất Nam Bộ và dặn dò nhau sống như thế. Đấy không còn là một điều đùm bọc nhau trong xã hội, đấy đã là một nét văn hóa của Sài Gòn.
Trước năm 1975, những tay giang hồ ở đất Sài Gòn thường được gọi là “Anh Tư”. Đó không phải vì theo thứ tự con thứ 3 trong nhà, mà nó ám chỉ chung cho tất cả các "đại ca" giang hồ, sống bằng nghề đâm chém và hành xử theo luật của giang hồ. Tuy nhiên họ lại có "trật tự riêng”, “tôn ti riêng” và đặc biệt "có đạo nghĩa" chứ không tạp nham và thiếu nghĩa khí, thậm chí là ăn trộm cả bà bán vé xổ số như các băng nhóm "trẻ trâu" hôm nay. Thời đó, “Anh Tư” được ngưỡng mộ, được các thiếu nữ yêu thầm. Bởi với người Sài Gòn, cái nghĩa khí là đứng đầu!
Khi tình trạng cướp giật của Sài Gòn lên cao. Những “Hiệp sĩ Sài Gòn” theo đó mà xuất hiện. Đấy là cái tính đùm bọc “Từ độ mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” thuở nào.
"Hiệp sĩ đường phố" là do báo chí phong tặng. Còn những người ấy sinh ra, làm việc đó không nghĩ nhiều cái phong danh, cũng chỉ theo cái suy nghĩ “Giúp người này thì cũng sẽ có người khác giúp lại mình” (và quả thực, họ được người dân cảm ơn rất nhiều), chứ không hề có ý định lấn quyền, tham công gì cả. Họ làm vì họ cần làm. Đấy là cái đạo nghĩa thuộc về bản năng của một dòng máu chảy suốt 4 thế kỷ đùm bọc di dân, chứ không phải thuộc về sự tính toán mang tính vụ lợi. Và nếu bạn muốn nói về đất nước pháp quyền, thì vấn đề không phải đến từ lòng tốt của những người ấy.
Khi nào chính quyền đảm bảo được cướp giật không còn nữa, thì tự khắc các hiệp sĩ cũng biến mất. Khi nào chính quyền đến nói với các hiệp sĩ rằng từ đây việc bắt cướp là của chúng tôi, các anh không cần làm nữa, thì tự khắc các hiệp sĩ cũng sẽ ra đi.
Người Sài Gòn mà !
0 nhận xét:
Đăng nhận xét