Mỗi đứa trẻ Việt nam ta, từ khi còn bé thơ cho đến khi trưởng thành gần như đều thuộc lòng 2 câu:
1 - Chúng ta là Con Rồng cháu Tiên.
2 - Nước ta có 4.000 năm văn hiến
Giờ ta hãy thử mổ xẻ xem sao.
+ Câu thứ nhất: Con Rồng cháu Tiên
Nghe thì có vẻ thuận miệng, nhưng có gì đó sai sai. Đúng ra phải là "Con Tiên - Cháu Rồng". Vì bà Âu Cơ sinh ra 100 người con thì đúng rồi, nhưng ông Long Quân, trước khi làm chồng "người ta", ổng đã là bậc chú của vợ tương lai mình. Chuyện này sách cũ nào cũng chép như thế:
Ông Đế Minh có 2 người con là ông Đế Nghi (Ly) và ông Lộc Tục.
Ông Đế Nghi sinh ra ông Đế Lai. Ông Đế Lai sinh ra cô Âu Cơ - đẹp như Tiên. Tức cô Âu Cơ là cháu nội ông Đế Nghi.
Ông Lộc Tục (Tức Kinh Dương Vương) lại sinh chàng Sùng Lãm - tức Lạc Long Quân - Vua Rồng họ Lạc.
Như vậy Lạc Long Quân về vai vế là chú lấy Âu Cơ là bậc cháu. Vì thế, đúng tôn ti trật tự, ta phải gọi là Con Tiên cháu Rồng mới đúng.
Mặt khác, câu: dòng Tiên giống Rồng nên được trích dẫn nguyên câu tiếng Việt:
“Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài.”.
Cô Âu ở rừng, ông Lạc xuống biển, rồng thành giao long thuồng luồng. Nên cần phải hiểu Tiên Rồng ở đây theo nghĩa của bản hit của Sơn Tùng là “Chúng ta không thuộc về nhau”. Đấy cũng là định mệnh tiền định của dân tộc mình, khó ăn ở, ly biệt nhau hoài.
//
+ Câu thứ 2: về con số 4.000 năm văn hiến
Vào thế kỷ 15, khi viết Bình Ngô đại cáo Nguyễn Trãi (1380-1442) chỉ nói: “Duy, ngã Đại Việt chi quốc, thật vi văn hiến chi bang”.
(Ngô Tất Tố dịch: Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu).
Có thể thấy, ngay trong "Cáo bình Ngô", cụ Ức Trai cũng không dám mạnh miệng xác định nước Nam có mấy ngàn năm văn hiến.
Cũng thế kỷ 15, trong Đại Việt sử ký toàn thư (Ngoại kỷ), quyển III, sử gia Ngô Sĩ Liên viết: “Nước ta thông thi thư, học lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ Sĩ Vương”.
Như thế Ngô Sĩ Liên xác định VN có văn hiến kể từ thế kỷ 2 sau Công nguyên (CN), suy ra tính đến thế kỷ 21 VN vẫn chưa tròn 2.000 năm văn hiến!
VẬY TỪ ĐÂU CÓ CON SỐ TRÒN TRỊA 4.000?
Trước năm 1960 thời điểm viện Sử học Việt Nam Dân chủ cộng hòa bắt tay chứng minh sự tồn tại của vua Hùng và thời đại vua Hùng, hai trong các sử gia hàng đầu của Việt Nam - nếu không nói là 2 người giỏi nhất: Cụ Trần Trọng Kim và học giả Đào Duy Anh đều không thừa nhận có cái gọi là Vua Hùng và thời Hồng Bàng - nhà nước Văn Lang. Các sử gia ngoại quốc, chủ yếu là Pháp cũng nhận định như thế. Có ông còn bảo là Lạc Long Quân thì phải đẻ ra Lạc vương, Lạc hầu, Lạc dân chứ, sao lại đẻ ra Hùng, đấy là ông Maspero, người Pháp, ông này cho rằng Hùng có khi là do chữ Lạc viết trệch đi mà thành.
Ý kiến của cụ Trần Trọng Kim có lẽ là xác đáng nhất: “Nhưng ta phải hiểu rằng, nước nào cũng vậy, lúc ban đầu mờ mịt, ai cũng muốn tìm cái gốc tích mình ở chỗ thần tiên để cho vẻ vang cái chủng loại của mình….”. (Việt Nam sử lược - phần họ Hồng Bàng)
Thế nên Con số 4.000 dường như được nói tới khá phổ biến từ nửa sau thế kỷ 20. Bấy giờ có người đã lấy khoảng 2.000 năm sau CN để cộng với khoảng 2.600 năm TCN (thuộc thời đại Hùng Vương) rồi “làm tròn” con số xuống còn chẵn… 4.000.
Vậy con số 2.600 này ở đâu ra? Đó căn cứ theo cách tính của sử thần Ngô Sĩ Liên đời Lê. trong Đại Việt sử ký toàn thư (Ngoại kỷ), quyển 1, ông viết:
“Trở lên là [kỷ] Hồng Bàng thị, từ Kinh Dương Vương được phong năm Nhâm Tuất, cùng thời với Đế Nghi, truyền đến cuối thời vua Hùng Vương, ngang với đời Noãn Vương nhà Chu năm thứ 57 [258 TCN] là năm Quý Mão thì hết, tất cả 2.622 năm [2879 - 258 TCN]”. Theo bản dịch của Viện KHXH VN (1985-1992), bản in NXB KHXH (Hà Nội 1993).
Sử gia miền Nam - Đại tá Việt Nam Cộng hòa - Phạm Văn Sơn thì cho rằng: "Thời Hùng Vương chắc có tầm 600 năm trước CN, trừ đi 200 năm thời ông An Dương Vương, lấy con số này chia cho 18 đời vua, 1 ông ngồi khoảng 20 năm, có khi lại hợp lý về mặt thời gian."
Nghiên cứu đầy đủ về thời kỳ lịch sử này được trình bày trong công trình nghiên cứu tên là "Thời đại Hùng Vương” xuất bản năm 1973 - do ông Văn Tân, người được coi là trưởng lão của ngành cổ Sử miền Bắc trước 1975, chủ biên. Nghiên cứu này là một ví dụ thú vị về cách làm sử của giới sử học miền Bắc. Xin kể ra một vài điểm:
● Để chứng minh quốc gia Lạc Việt - Nhà nước Văn Lang là có thật, các nhà nghiên cứu bắt đầu chứng minh An Dương Vương là nhân vật lịch sử, và thành Cổ Loa chính là vật chứng không thể chối cãi. An Dương Vương có thật thì đương nhiên kẻ bị ông đánh bại - thủ lĩnh của người Lạc Việt - ông Hùng phải là có thật. Ông An Dương Vương có quân đội, đương nhiên ông Hùng cũng có quân đội: 1 đặc điểm của mọi hình thái nhà nước.
(Nói thêm một tý, hiện tại, một số nhà nghiên cứu Hán Nôm trẻ tuổi, có 1 người trong đấy tên là Trần Trọng Dương còn táo tợn hồ nghi Thành Cổ Loa xây muộn hơn rất nhiều, vào tầm thế kỷ 9-10 gì đấy. Không dám bình luận thêm về tồn nghi này.)
● Có ông Hùng cuối thì ông Hùng đời đầu tất nhiên tồn tại. Việc tại sao có 18 đời vua mà đến khoảng 2500 năm, các sử gia lúc đấy giải thích như sau:
"Nhưng dù sao giới hạn trên cùng này (năm 2879 trước CN) ở ta chằng qua cũng chỉ nằm trong phạm vi thời đại đồ đá mới…” - trang 53.
Sau đấy các bằng chứng về khảo cổ học, dân tộc học được đưa ra nhằm chứng minh, những rìu đá, cày đồng… đào ở di chỉ Phùng Nguyên có niên đại tầm 3,500- 4,000 năm. Từ đó suy ra, nhà nước Văn Lang tức thời đại Hùng Vương tồn tại khoảng 2,000 năm là điều tất nhiên. Hay, 1 ông vua giữ nhiệm kỳ hơn 1 thế kỷ không phải là hoang đường
● Một chứng minh vô cùng sáng tạo nữa trong công trình nghiên cứu này để khẳng định tính đầy đủ của hình thức tổ chức nhà nước Văn Lang, đấy là việc nội suy tài tình về sự tồn tại của pháp luật ở thời Hùng Vương. Theo các sử gia, Mã Viện sau khi đàn áp khởi nghĩa Hai Bà Trưng (khoảng năm 43 sau CN tức cách các đời đầu vua Hùng khoảng 2000 năm) đã tâu lên vua Hán rằng:
"Luật bên đất Giao Chỉ này có khoảng 10 điều khác bên ta."
Các sử gia ta căn cứ vào đấy và khẳng định rằng: Thời 2 Bà Trưng đã có luật, luật đấy phải có từ trước đấy, suy ra thời Hùng Vương có luật. Ngoài ra việc An Dương Vương chém Mị Châu, chứng tỏ, thời đấy đã áp dụng tinh thần luật pháp Quân pháp bất vị thân - trang 164 & 165
● Với hơn 10 năm nghiên cứu với các chuyên ngành bổ trợ: khảo cổ, dân tộc học, ngôn ngữ so sánh, địa lý học... từ 1960 đến 1970, các sử gia miền Bắc đã hoàn thành xuất sắc công cuộc chứng minh vua Hùng là có thật, thời đại Hùng Vương 2,000 năm là sự thât lịch sử chứ không phải là huyền thoại hoang đường.
KẾT:
Căn cứ vào kết luận khoa học này, lời mở đầu Hiến pháp năm 1980 đã tuyên bố: "Trải qua 4000 năm lịch sử , nhân dân Việt nam lao động cần cù…”
Không hiểu sau đấy Viện Sử học có thêm công trình nghiên cứu khác không, mà các Hiến pháp từ năm 1992 về sau sửa lại một tý : “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử……”.
Và chúng ta có con số 4.000 năm văn hiến như thế đó.
© Trần Lâm Trung (đăng trên Cổ Thư Lâu) & học giả Nghê Dũ Lan
© Hiệu đính: son.le
→ Các bạn có thể xem thêm những bài khác theo mục lục của X-File: https://bit.ly/2HjsimL
.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét