SHADOWLESS
Sáng ngày 12/6/2018 vừa qua, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Luật An ninh mạng với tỷ lệ Đại biểu tán thành đạt 423/466 (chiếm 86,86%). Có thể khẳng định, đây là một đạo luật rất quan trọng, được Quốc hội thông qua và sắp tới có hiệu lực thi hành vào thời điểm rất hợp lý, nhất là trong bối cảnh mạng Internet phát triển ở mức chóng mặt như hiện nay.
Mặc dù đúng là có nhiều ý kiến trái chiều được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội hoặc Blog… nhưng vẫn phải sớm ban hành đạo luật này bởi rất nhiều nguyên nhân. Về mặt thực tiễn, theo “Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam VNCERT, cho hay, năm 2017, trong số 9.964 cuộc tấn công trên thì có 1.762 sự cố website lừa đảo (Phishing), 4.595 sự cố về phát tán mã độc (Malware) và 3.607 sự cố tấn công thay đổi giao diện (Deface). Nổi bật nhất trong năm 2017 có lẽ là cuộc tấn công của mã độc có tên Wannacry vào hồi tháng 5/2017. Cuộc tấn công quy mô lớn này đã ảnh hưởng đến 74 quốc gia trong đó có Việt Nam. Chỉ vài giờ lây lan Việt Nam đã có đến hơn 200 Doanh nghiệp bị nhiễm loại mã độc này. Theo Kaspersky thì Việt Nam là một trong 20 nước có thiệt hại nặng nề nhất do cuộc tấn công Wannacry gây ra (báo cáo của VNCERT trên trang securitybox.vn). Cụ thể, vào khoảng 14 giờ chiều ngày 27/11/2006, một sự Website của Bộ Giáo dục & đào tạo (có địa chỉ tại www.moet.gov.vn) đã bị hacker đột nhập. Kẻ tấn công đã thay ảnh của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân bằng bức ảnh của một thanh niên cởi trần; tháng 6/2013, một số trang báo điện tử của Việt Nam như Dân trí, Vietnamnet, Tuổi trẻ… bị tấn công DDOS; tháng 7/2016, hệ thông điều hành sân bay Tân Sơn Nhất bị tấn công; gần đây nhất, vào quý 1/2017 xảy cuộc tấn công của các hacker U15 vào website các cảng hàng không ở Việt Nam (Sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc, Rạch Giá, Tuy Hòa ), tấn công này khiến nhiều người nghi ngờ đây là “sự cố Vietnam Airlines” lần thứ 2… Như vậy, có thể thấy thực tiễn tại Việt Nam đã diễn ra nhiều vụ tấn công mạng đã để lại hậu quả rất lớn về kinh tế, chính trị xã hội.
Toàn cảnh Hội trường Quốc hội, ảnh: internet |
Mặt khác, tính đến thời điểm này, trước Việt Nam, nhiều nước trên thế giới đã có Luật An ninh mạng từ rất lâu. Điển hình như Cộng hòa Liên bang Đức đã thông qua Luật An ninh mạng từ ngày 17/12/2014; Mỹ có tới 3 đạo luật an ninh mạng chính đó là Đạo luật về Quyền riêng tư trong lĩnh vực Y tế (HIPPA) năm 1996, Đạo Luật Gramm-Leach-Bliley trong lĩnh vực Tài chính năm 1999 và Đạo luật An ninh nội địa năm 2002, trong đó bao gồm đạo luật Quản trị An ninh Thông tin Liên bang (FISMA); tháng 11/2016, Luật An ninh mạng của Trung Quốc được thông qua… Do vậy, có thể khẳng định Việt Nam hoàn toàn không phải là đất nước “sáng tạo” ra đạo luật này.
Như vậy chúng ta có thể thấy được sự cần thiết của việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng. Bên cạnh đó, nhiều quan điểm cũng cho rằng, Luật này có nhiều điểm hạn chế, bất cập tác động xấu tới nền kinh tế, hạn chế quyền tự do ngôn luận… Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ nội hàm từng điều luật bên trong, chúng ta thấy rằng đó chỉ là sự cụ thể hóa chức năng Quản lý Nhà nước trên lĩnh vực an ninh mạng mà thôi.
Chẳng hạn như tại nghị trường, một số ý kiến của Đại biểu còn băn khoăn với quy định tại điểm d khoản 2, vì cho rằng quy định này không bảo đảm tính khả thi, làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp nước ngoài, gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin và trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Về nội dung các ý kiến này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình các Hiệp định cơ bản của WTO (Hiệp định GATT, Hiệp định GATS) và Hiệp định CPTPP đều có điều khoản ngoại lệ về an ninh. Do đó, việc chúng ta áp dụng các điều khoản ngoại lệ về an ninh trong Luật này là hết sức cần thiết để bảo vệ lợi ích của người dân và an ninh quốc gia của Việt Nam. Ngoài ra, việc thông qua Luật An ninh mạng cũng không hề cản trở việc lưu thông dòng chảy dữ liệu. Căn cứ quy định của Luật này và tình hình thực tiễn, Chính phủ quy định phạm vi doanh nghiệp cụ thể phải áp dụng quy định này nên sẽ cơ bản không gây cản trở lưu thông dòng chảy dữ liệu, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác, kể cả doanh nghiệp khởi nghiệp. Do đó, không thể nói đạo luật này kéo lùi kinh tế Việt Nam.
Đối với quyền tự do ngôn luận, Điều 8 Luật An ninh mạng có chỉ rõ các hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó nổi bật nhất là: “điểm c: Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; điểm d: Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác…”. Những hành vi trong hai điểm này đều đã được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) do đó, việc đưa vào quy định trong Luật An ninh mạng là thể hiện tính đồng bộ, thống nhất về kỹ thuật lập pháp. Như vậy, những gì mà một số Đại biểu Quốc hội và quần chúng nhân dân lo lắng đều đã được giải quyết triệt để.
Tóm lại, việc xây dựng và thông qua Luật An ninh mạng là hết sức cần thiết và hợp lý đối với Việt Nam trong tình hình hiện nay. Nó sẽ là cơ sở để cơ quan chức năng thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình; để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam tuân thủ thực hiện, phát huy tối đa khả năng phát triển của bản thân.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét