Ngày 27/2/1902 Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer và bác sĩ Yersin đặt viên đá đầu tiên để xây trường Y khoa Đông Dương (Đại học Y Hà Nội ngày nay).
Hà Nội được chọn làm địa điểm thành lập trường vì trước hết, Hà Nội là đất thánh của giới sĩ phu Việt Nam, là cái nôi của nền giáo dục Hán học và tiêu biểu nhất cho cái xứ Đông Dương thuộc Pháp. Biên bản phiên họp thường kỳ năm 1898 của Hội đồng Tư vấn Tối cao Đông Dương (do Doumer thành lập) còn nói: "Bắc Kỳ không chỉ cho phép nghiên cứu các bệnh của vùng nhiệt đới Viễn Đông mà còn cả các bệnh riêng cho mùa lạnh. Hơn nữa, Bắc Kỳ tiếp giáp với Trung Hoa là nơi mà ảnh hưởng của nền Y học chúng ta đang ngày càng tăng cường. Đó là sự xâm nhập hữu hiệu nhất và cũng vinh dự nhất (nhấn mạnh của Henri Galliard, trong bài Yersin và việc thành lập trường Y Hà Nội - (Henri Galliard: Yersin và việc thành lập trường Y Hà Nội - Kỷ yếu trường Đại học Y Dược khoa Đông Dương, Hà Nội.- Tập 9.- 1944, tr 1).
Người ta lo đi tìm một hiệu trưởng cho trường Y tương lai. Những tài liệu lưu trữ cho thấy có nhiều người được giới thiệu. Brouardel, hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Paris đề nghị năm người, trên hết là hai cựu nội trú đã qua thi tuyển sang Đông Dương là Degorce và Le Roy des Barres nhưng bộ trưởng bộ Thuộc địa Decrais phản đối: hiệu trưởng phải không được quá trẻ mà phải là người có đủ uy tín để đảm đương được nhiệm vụ. Do đó, toàn quyền Doumer đã chọn nhà khoa học gốc Thụy Sĩ 39 tuổi, học trò của Louis Pasteur, là Alexandre Yersin, khi đó đang làm giám đốc viện Pasteur Nha Trang. Alexandre Yersin là người đã tìm ra vi khuẩn dịch hạch trong một đại dịch tại Hồng Kông năm 1894.
Trong ý kiến gửi lên toàn quyền Đông Dương, Yersin đã xác định rõ mục đích và yêu cầu của nhà trường: trường Y Đông Dương phải là nơi vừa đào tạo, vừa nghiên cứu khoa học, tiến tới trở thành một trung tâm khoa học có tầm cỡ tại Bắc Kỳ. Do đó, Yersin yêu cầu phải xác nhận giá trị công ích của trường, hiệu trưởng phải do Tổng Thống Cộng Hoà Pháp bổ nhiệm theo giới thiệu của hiệu trưởng trường đại học Y khoa hoặc Giám đốc Viện Pasteur Paris và các giáo sư do tổng thống Pháp bổ nhiệm theo giới thiệu của hiệu trưởng trường Y Hà Nội. Nếu được như vậy thì trường Y Hà Nội sẽ có qui chế tương đương như các trường đại học y khoa ở chính quốc
Kỳ thi tuyển đầu tiên vào trường Y khoa Hà Nội có 121 thí sinh Bắc Kỳ. Ngày đó, tiêu chuẩn cao nhất là biết ít nhiều tiếng Pháp. Hệ thống giáo dục phổ thông chưa được tổ chức (mãi năm 1907 mới thành lập trường Trung học Bảo Hộ, tức trường Bưởi). Theo kết quả công bố ngày 1.2.1902, có 15 người trúng tuyển, trong đó có 7 thí sinh người Hà Nội, tất cả đều đạt loại Xuất sắc (très bien).
Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng toà nhà chính của trường (tức lễ thành lập) được tiến hành vào ngày 27 tháng Hai 1902 tại ấp Thái Hà (Nam Đồng), cách xa trung tâm Hà Nội, ngay hôm trước ngày khánh thành cầu Paul Doumer (tức cầu Long Biên). Chắc không phải ngẫu nhiên mà hai "dấu ấn văn hoá" này của toàn quyền Paul Doumer được trình làng vào cùng một dịp.
Năm học đầu tiên có 15 học sinh Bắc Kỳ, 5 học sinh Trung Kỳ, 8 học sinh Nam Kỳ và 1 học sinh Cao Miên (nhưng không thấy trong danh sách học bổng), tất cả 29 người 8 được họcbổng với mức 8 đồng một tháng, Theo Nguyễn Ngọc Lanh (do các cụ kể lại) thì 6 đồng bạc năm 1902 mua được 1.000 quả trứng hoặc 3 - 4 tạ gạo. Lương Tri huyện vào thời này cũng chỉ khoảng 25 đồng.
Địa điểm ấp Thái Hà không thuận tiện cho việc đặt trường. Khu vực này cách trung tâm thành phố tới 5 kilômét (hồi ấy chủ yếu đi bộ), nên ít bệnh nhân; nhiều ao hồ nên bệnh sốt ráe còn hoành hành (chỉ vài tháng sau khi khai giảng, hầu hết học sinh cũng như nhân viên người Âu đã bị sốt rét). Được ít lâu, có thể là vào cuối năm 1902, trường phải dọn về một ngôi nhà ở phố Bobillot (phố Lê Thánh Tông ngày nay) còn bệnh viện thực hành thì về đầu phố Armand Rousseau (phố Lò Đúc), có hai căn nhà bằng gỗ lợp lá gồi.
Theo đề nghị của học sinh, hiệu trưởng ký quyết định cho phép họ được đeo thẻ bài có khắc dòng chữ Hán "Học sinh Y khoa Đông Dương". Đây là một vinh dự rất lớn vì ngày đó, chỉ các quan Nam Triều mới được đeo thẻ bài. Đeo thẻ bài thì phải mặc Nam phục (áo dài may bằng the, đoạn, hoặc gấm, khăn xếp, dép da) để đeo vào khuy áo bên phải ngực. Mới vào học trường Y mà đã ra dáng một vị đường quan rồi. Hiệu trưởng tỏ ra rất hiểu và thông cảm với tâm lý học sinh nên mới có quyết định này. Có lẽ điều đó cũng phản ánh quan niệm của hiệu trưởng: trường sẽ đào tạo ra các trí thức cao cấp cho xã hội, không phải chỉ đơn giản là những anh y sĩ phụ việc như trong quyết định thành lập.
Ảnh: Thầy giáo người Pháp cùng các sinh viên Việt Nam trong lớp cơ thể học.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét