Tri thức là những giọt nước trong đại dương bao la!

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

NGƯỜI BÌNH THƯỜNG HÓA QUAN HỆ VỚI HOA KỲ


Sinh thời, thủ tướng Phan Văn Khải từng nói "Tình hình thế giới nay đã khác. Chúng ta cần Mỹ. Nếu người Mỹ không vào thì các công ty lớn trên thế giới khác sẽ không vào." Câu nói này, đến hôm nay nhiều người vẫn chưa thuộc.
Và trong 2 nhiệm kỳ của mình, ông đã nỗ lực cho mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ông nói được và làm được.
1/ Bức ảnh tôi minh họa ở đây là chụp tại buổi Dạ yến của APEC Auckland, New Zealand. Cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên trong lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo của Việt Nam và Mỹ sau 1975 đã diễn ra: Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Bill Clinton.
Đúng một năm sau, 17/11/2000, Tổng thống Bill Clinton trở thành tổng thống đầu tiên của Mỹ đến Việt Nam. Đáp lại, ngày 19/5/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải trở thành lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam chính thức thăm Mỹ. Nhiều hợp đồng lớn đã được ký kết. Và các doanh nghiệp Mỹ bắt đầu tràn vào Việt Nam như thác lũ. Tất cả các mốc này đều có thể đối chiếu với sự thay đổi của thực tế quanh bạn.
2/ Trong hành trình này, có 2 việc quan trọng:
- Vào năm 1999, thủ tướng Phan Văn Khải phát triển luật doanh nghiệp. Chính thức cởi trói cho nền kinh tế tư nhân tại Việt Nam phát triển đến bây giờ.
- Vào ngày 14/7/2000, chỉ một năm sau khi gặp Clinton ở New Zealand, Hiệp định thương mại song phương Việt-Mỹ (BTA) đã được ký. Bạn có thể đối chiếu với cuộc sống quanh bạn? Có phải internet, tivi, điện thoại ... bắt đầu bùng nổ từ sau năm 2000? Ngày đó, hiệp định đó chính là bước ngoặt.
3/ Tôi đặc biệt chú ý đến một chi tiết trong nhiệm kỳ của thủ tướng Phan Văn Khải. Ông có một "thành công mềm", mà tất cả những quốc gia đang lên đều phải sử dụng 1 lần để khẳng định với thiên hạ. Đấy chính là Thể thao. Đấy là SEAGAMES 22. Ông chính là người đã đọc lời khai mạc Seagames năm đó. Đấy chính là đại hội thể thao khu vực đầu tiên mà Việt Nam tổ chức, là đại hội thể thao lớn nhất mà VN từng làm được sau năm 1975, và những khung hình đẹp như tranh ngày hôm đó, cũng chính là hình ảnh mà Việt Nam muốn đưa ra với thế giới thông qua con đường thể thao.
4/ Cũng những năm cuối của nhiệm kỳ mình. Thủ tướng đã giao cho bộ trưởng Trương Đình Tuyển một nhiệm vụ khó khăn, đấy là bằng mọi cách phải đưa Việt Nam vào được WTO. Và đúng vào năm cuối cùng của nhiệm kỳ 2007, nhưng ông từ nhiệm trước. Việt Nam đã vào WTO.
***

WTO, Sea Games 22, bình thường hóa quan hệ với Mỹ là 3 hòn đá tảng quan trọng để làm cái móng mà nhiệm kỳ của thủ tướng Khải đã dành cho đời sau, để tiếp tục xây lên phần thân và tạo cho VN một ngôi nhà khang trang. 
***

5/ Thủ tướng Phan Văn Khải từ nhiệm vào tháng 6/2006. Vì sao ông từ nhiệm? Thời điểm đó diễn ra sau khi vụ án tham nhũng cực kỳ đặc biệt là đại án PMU18, vụ án khiến một người trong chính phủ của ông là Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải, ông Đào Đình Bình phải từ chức. Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhận trách nhiệm và xin lỗi. Lời xin lỗi đó nguyên vẹn như sau:
"Tôi hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công. Về những vụ đục khoét của công đã phát hiện thời gian gần đây, cùng với trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư, còn có khuyết điểm và trách nhiệm của Chính phủ và của cá nhân tôi là người đứng đầu.
"Để tham nhũng nghiêm trọng, tôi nhận lỗi trước nhân dân".
"Điều tôi trăn trở là vì sao một số mặt yếu kém về kinh tế xã hội và bộ máy công quyền đã được nhận thức từ lâu, đã đề ra nhiều chủ trương biện pháp khắc phục nhưng sự chuyển biến rất chậm, thậm chí có mặt còn diễn biến xấu hơn."
Đến phút cuối, ông vẫn thể hiện mình là người lãnh đạo dám làm, dám chịu. Ông không nhận mình có công (dù thực tế ông xứng đáng để ghi công), nhưng lại dám nhìn thẳng vào cái sai, và cái chưa làm được của bản thân.
Người kế nhiệm của ông, một người khá cao to, đẹp trai, dáng dấp chuẩn, nói cực kỳ hay, đã hùng hồn trong buổi nhậm chức:
"Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay."
"Người ấy" của Trịnh Thăng Bình sau này đã gặp một vị đại biểu quốc hội chất vấn thẳng thắn "Thủ tướng có dám từ chức không?" "Người ấy" đã nói "Đảng và nhân dân giao phó, không thể từ chức được." Arsene Wenger hôm đó có xem tivi và rất ưng ý.
Lời kết.
Trên đây là 5 điểm chính về cuộc đời thủ tướng và những gì ngài đã làm được. Đôi khi chúng ta để công ơn về một người mà quên đi có những người như thủ tướng Võ Văn Kiệt, như thủ tướng Phan Văn Khải. Những con người miền Nam đã mở toang cánh cửa Việt Nam ra với thế giới, bước qua thời bao cấp đói nghèo.
Thủ tướng Phan Văn Khải đã mất. Nhưng chúng ta sẽ nhớ về ông như người lãnh đạo đã đưa Việt Nam vươn cánh trong giai đoạn vắt từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21, đã cho Việt Nam có mức tăng trưởng 7% bất chấp những khó khăn của kinh tế thế giới, đã khép lại một quá khứ giữa Việt Nam - Hoa Kỳ vì một tương lai hòa bình và phát triển kinh tế, để cho Việt Nam có những lựa chọn bên cạnh các mối đe dọa về sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Nhiệm kỳ của ông chưa phải là hoàn thiện nhất, nhưng nhiệm kỳ của ông là nền tảng đi tới sự hoàn thiện. Như một gốc cây chờ người vun trồng, bén tỉa để ra hoa trái. Người đó sẽ là ai?

Share:

Chữ kí tác giả

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

TÌM KIẾM

ĐỒNG HỒ

BÀI ĐƯỢC QUAN TÂM

  • SỐ LƯỢNG BÀI VIẾT
  • SỐ LƯỢNG BÌNH LUẬN
  • SỐ LƯỢNG NGƯỜI XEM

ĐANG GHÉ THĂM

Người theo dõi

Blog Archive