Tôn Quyền là một trong những người bị đánh giá sai nhất trong bộ Tam Quốc. Cùng với Lỗ Túc, thì những con người Đông Ngô như thế này bị đẩy sang một bên trong thế trung tâm của Tào Ngụy và Lưu Thục, khiến ngòi bút không lột tả hết được cái đặc sắc của Giang Đông . Phải đến sau này, khi kẻ hậu thế lật lại những câu chuyện lịch sử, mới lần mò ra những hạt ngọc ở đất Giang Đông này.
Quách Mạt Nhược từng nói "Tào Tháo đã phải làm hình mẫu của kẻ phản diện hơn một nghìn năm đầy oan uổng." Vậy thì nói sao về Tôn Quyền đây? Một nhân vật mang một tầm vóc đế vương, được che giấu bên dưới tính cách ẩn mình sau màn trướng. Người đọc Tam Quốc vì thích cái "tay trắng gây dựng cơ đồ" từ người bán dép (Lưu Bị) hay chuyện thống nhất Trung Nguyên với vô số chiến dịch lớn của Tào Tháo, thành ra cứ nghĩ Tôn Quyền cùi mía.
Cái Tôn Quyền làm là cái thuần túy của lãnh đạo. Tôn Quyền là người đã cho các tàu buôn của mình đi ra biển để giao thương với các nước xung quanh. Rất xa trước khi thái giám Trịnh Hòa đời Minh giương cờ. Há đó không phải là đế vương vượt tầm?
Khi Gia Cát Lượng đề ra Long Trung Sách, bảo Lưu Bị tránh Giang Đông ra, vì "Tôn Quyền chiếm cứ Giang Đông đã qua 3 đời. Dân giàu nước mạnh, hiền tài vô số". Khi Tào Tháo đến Nhu Tu Khẩu để đánh Giang Đông. Tôn Quyền sắp xếp quân đâu ra đấy, rồi gửi bức thư bảo Tào Tháo rút quân. Tháo nhìn đoàn quân thuyền Giang Đông rồi mỉm cười mà rút.
2 câu chuyện trên, đã cho thấy cái tầm xây dựng Giang Đông đáng nể của Tôn Quyền.
Bạn biết Tôn Quyền cầm quyền bao năm chứ? 52 năm. Vâng, để dễ so sánh: Gia Cát Lượng thọ ... 54 tuổi. Đô đốc Đông Ngô được kế thừa liên tục của Chu Du, Lỗ Túc, Lữ Mông, Lục Tốn...nhưng cũng chỉ có 1 chủ: Tôn Quyền.
Số năm cầm quyền Đông Ngô đã giúp cho Tôn Quyền xây được một Giang Đông bền vững, nhưng lại làm như yếu nhớt (hay là các bác Tam Quốc vẽ ra thế thì không biết). Và cũng như một quy luật: khi thành công được tạo nên bởi một người, thì cũng sẽ báo hiệu sự diệt vong nếu người đó ra đi. Sự ra đi của Tôn Quyền báo hiệu cái chết cho Giang Đông.
Tôn Quyền nắm cả Giang Đông trong tay, bao gồm cả cái xấu và cái tốt. Ông biết cái xấu, và ông bịt lỗ nó lại. Những quyền thần Đông Ngô chỉ bị ông phong tỏa, và chính ông cũng cần thỏa thuận với họ để giữ ngôi báu. Nhưng họ không phục nhau. Cái sai của Tôn Quyền là ông thấy mâu thuẫn, thấy cái sai, nhưng đã không giải quyết mâu thuẫn một cách triệt để, ông không tiêu diệt nó đi. Ngược lại, ở tuổi già, càng khiến mâu thuẫn càng lúc càng lên cao. Khi ông mất, chẳng ai giải quyết, và Đông Ngô sụp đổ.
//
Đà Nẵng bây giờ như là Giang Đông hậu Tôn Quyền. Có nghĩa, thời còn Nguyễn Bá Thanh, mâu thuẫn tồn tại nhưng được Nguyễn Bá Thanh dùng uy mà kiềm hãm. Khi Nguyễn Bá Thanh mất, hai bên đấu đá gây suy yếu đồng loạt. Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch TP Huỳnh Đức Thơ mâu thuẫn đến độ báo chí còn khui ra được, phải lên cải chính.
Nguyễn Bá Thanh là người đã cho Đà Nẵng diện mạo bây giờ. Công lao ông rất lớn, nhưng sự đánh đổi của ông cũng rất cao, và cũng như Tôn Quyền khi xưa, ông phải một tay bịt kín chúng lại. Một trong những cái đánh đổi đó, chính là vấn đề "chia lô ban đất". Hãy về Đà Nẵng, và bạn sẽ không thể tưởng tượng nổi lại có một thành phố mà cứ 10 người dân là có 1 cò đất như thế. Chuyện bán đảo Sơn Trà thuần túy từ những chính sách cũ. Vũ "nhôm" sai phạm cũng quanh chuyện mua bán đất công.
Từ phương xa, chúc một ngày nắng đẹp, Đà Nẵng !
0 nhận xét:
Đăng nhận xét