Tri thức là những giọt nước trong đại dương bao la!

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2018

TẠI SAO MÁC ĐÚNG? Chương 5 CHỦ NGHĨA MARX CHỈ SÙNG BÁI KINH TẾ?



PHẢN BÁC
Chủ nghĩa Mác quy mọi vấn đề về kinh tế. Chủ nghĩa Mác chỉ là một dạng của thuyết quyết định luận kinh tế. Tất cả các vấn đề về nghệ thuật, tôn giáo, chính trị, luật pháp, chiến tranh, đạo đức và sự biến đổi của lịch sử đều được nhìn nhận dưới những thuật ngữ thô thiển nhất, không nằm ngoài phản ánh của nền kinh tế hay xung đột giai cấp. Tính chất phức tạp thực sự của các vấn đề liên quan đến con người đã bị bỏ qua do một cách nhìn đơn sắc về lịch sử. Khi quan điểm của Các Mác bị chi phối bởi kinh tế như vậy, C. Mác trở thành một hình ảnh lộn ngược của hệ thống tư bản chủ nghĩa mà ông từng lên án. Tư tưởng của C. Mác chứa đầy mâu thuẫn với quan điểm đa nguyên về xã hội hiện đại, những xã hội nhận thức rõ rằng những kinh nghiệm lịch sử khác nhau không thể bị nhồi nhét trong một khuôn khổ cứng nhắc duy nhất.
BIỆN GIẢI
Về mặt nào đó, mọi thứ trên đời chung quy lại đều là vấn đề kinh tế thì cũng là hiển nhiên. Trong thực tế, rõ ràng không một ai hoài nghi về điều đó. Trước khi làm được điều gì, chúng ta cần phải ăn và uống trước đã. Chúng ta cũng cần quần áo mặc và nơi nương thân, cho dù chúng ta đang sống ở Sheffield chứ không phải là ở Samoa. C. Mác viết trong Hệ tư tưởng Đức rằng hoạt động mang tính lịch sử đầu tiên chính là sản xuất ra các phương tiện thỏa mãn nhu cầu vật chất của con người. Sau đó, con người ta mới học để chơi trò ban-giô, viết nên những vần thơ trữ tình hay trang hoàng những mái vòm. Cơ sở của văn hóa chính là lao động. Không có hoạt động sản xuất vật chất thì không thể có nền văn minh.
Tuy nhiên, chủ nghĩa Mác không chỉ dừng lại ở đó. Chủ nghĩa Mác khẳng định rằng, sản xuất vật chất là cơ sở nền tảng không chỉ theo nghĩa là sẽ không có nền văn minh nếu không có nó, mà sản xuất vật chất còn quyết định hoàn toàn bản chất của nền văn minh đó. Có sự khác nhau khi nói cây bút hay chiếc máy vi tính là không thể thiếu để viết một cuốn tiểu thuyết; và khi nói cây bút hay chiếc máy vi tính quyết định phần nào nội dung của cuốn tiểu thuyết. Cách nói thứ hai không rõ ràng tí nào, mặc dù cách nói Mác-xít tương tự như vậy đã nhận được sự tán đồng của một số nhà tư tưởng chống Mác-xít. Triết gia John Gray, người phê phán Các Mác kịch liệt đã viết rằng: “trong các xã hội thị trường ... những hoạt động kinh tế không những được tách biệt với các hoạt động khác của đời sống xã hội, mà nó còn là điều kiện, và đôi khi chi phối toàn bộ xã hội”[1]. Những gì Gray nói riêng cho xã hội thị trường, thì Các Mác cũng khái quát như vậy cho lịch sử nhân loại.
Những người chỉ trích Các Mác coi lời tuyên bố nào mạnh hơn trong hai cách nói đó là một hình thức giản luận hóa. Nó quy mọi vấn đề về cùng một nhân tố và điều này rõ ràng mang tính cố chấp. Có thể nào lịch sử nhân loại muôn màu muôn vẻ lại bị đóng khuôn đơn điệu theo cách đó? Chắc chắn có rất nhiều yếu tố tác động hiện hữu trong lịch sử, mà không bao giờ có thể rút lại thành một nguyên tắc duy nhất bất di bất dịch. Tuy nhiên, có thể đặt câu hỏi thuyết đa nguyên này đúng đến mức nào? Phải chăng không bao giờ có một nhân tố đơn nhất nào đó đóng một vai trò quan trọng hơn so với các nhân tố khác trong các hoàn cảnh lịch sử? Thật khó mà chấp nhận được nếu nói vậy. Ta có thể mãi tranh luận cho đến ngày Tận thế về những nguyên nhân dẫn đến cuộc cách mạng Pháp. Thế nhưng, không ai lại cho rằng, cuộc cách mạng xảy ra bởi những thay đổi sinh hóa trong não bộ của người Pháp do ăn quá nhiều pho mát. Chỉ có ít người tin vào số mệnh cho rằng nó xảy ra nhờ cung hoàng đạo. Ai cũng đồng ý rằng có những nhân tố lịch sử đóng vai trò quan trọng hơn so với những nhân tố khác. Điều đó không ngăn cản những người có suy nghĩ này trở thành những người theo thuyết đa nguyên, ít nhất là về một nghĩa nào đó của cụm từ này. Họ có lẽ vẫn thừa nhận rằng mọi sự kiện trong lịch sử trọng đại là kết quả của vô số yếu tố tác động. Chỉ có điều họ không dám nhận định là tất cả những yếu tố này có tầm quan trọng ngang nhau.
Ph. Ăgghen là một người theo thuyết đa nguyên theo đúng nghĩa này. Ông kịch liệt phản bác rằng ông và Các Mác tùng có ý cho rằng kinh tế là yếu tố duy nhất quyết định tiến trình lịch sử. Ông cho đó là “một mệnh đề vô nghĩa, phi thực tế và điên rồ”[2]. Sự thật thì không ai theo thuyết đa nguyên lại khẳng định rằng, trong một điều kiện nhất định, mọi yếu tố đóng vai trò như nhau. Ai cũng tin vào những trật tự thứ bậc nào đó cho dù là người cổ súy nhiệt thành nhất cho chủ nghĩa bình quân. Trên thực tế, hầu hết mọi người đều tin vào những thứ bậc tuyệt đối và bất di bất dịch. Khó mà tìm thấy ai có suy nghĩ rằng, cười cợt một người đang đói khát hay hơn là cho người đó ăn. Cũng chẳng có ai nói rằng, móng tay của vua Charles I dài hay ngắn là yếu tố quyết định hơn tôn giáo trong cuộc Nội chiến Anh. Có vô số lý do khiến tôi nhấn đầu bạn xuống nước trong hai mươi phút (do thói tàn ác, do tò mò khoa học, do chiếc áo lè loẹt mà bạn đang mặc khiến tôi thất kinh, một câu chuyện có thật chiếu trong một bộ phim tài liệu cũ kỹ tẻ nhạt trên truyền hình). Nhưng có một lý do quan trọng hơn bất cứ lý do nào khác, ấy là để tôi được chạm tay vào những con ngựa đoạt giải mà bạn để lại cho tôi trong di chúc. Nếu vậy thì tại sao những sự kiện mang tính cộng đồng rộng lớn hơn lại không có những động cơ tương tự?
Một số người theo thuyết đa nguyên cũng đồng ý rằng những sự kiện như vậy có thể bắt nguồn từ một lý do có ưu thế nổi bật. Chỉ đơn giản là họ không nhìn ra được tại sao cùng một nguyên nhân nhưng lại chi phối trong mọi trường hợp. Rõ ràng cái gọi là lý thuyết kinh tế về lịch sử không thể chấp nhận ở chỗ nó quan niệm rằng, mọi thứ, ở bất cứ nơi nào, đều chịu tác động theo cùng một cách thức. Liệu điều đó muốn ám chỉ rằng lịch sử là một hiện tượng riêng lẻ, giống hệt như một chiếc đũa tròn? Có thể ví von thế này, cơn đau đầu của tôi do mớ tóc giả theo kiểu cô đào Marilyn Monroe chật cứng mà tôi cứ khăng khăng muốn đội trên đầu khi đi dự tiệc. Thế nhưng lịch sử không phải là một thứ đơn lẻ như cơn đau đầu. Như có người từng phàn nàn, lịch sử chỉ toàn những thứ vớ vẩn. Nó không có được tính hợp lý của một câu chuyện cổ tích, hay một bài văn trần thuật có kết cấu chặt chẽ. Không có được một ý nghĩ xuyên suốt chiều dài lịch sử.
Chúng ta cũng đã biết, hầu như không ai hình dung được rằng trong lịch sử không có khuôn mẫu nào dễ dàng nhận thức được. Cũng không có ai coi lịch sử chỉ đơn thuần là một đống lộn xộn những hỗn loạn, ngẫu nghiên, tình cờ tiếp nối nhau, dù cho Friedrich Nietzsche và một trong những môn đồ của ông là Michel Foucault đã có lúc tiệm cận với quan điểm này. Đa số đều chấp nhận rằng, mặc dù phức tạp và khó nhận biết, có điều đó khiến cho lịch sử có một hình thức hỗn độn nào đó. Ví dụ, thật khó mà tin được rằng các quốc gia khác nhau bắt đầu thâu tóm các thuộc địa tại một thời điểm nhất định của lịch sử vì những lý do không có liên quan gì đến nhau. Chẳng phải vô cớ mà những nô lệ châu Phi bị chở đến châu Mỹ. Chủ nghĩa phát xít nổi lên gần như cùng một lúc ở nhiều quốc gia khác nhau trong thế kỷ XX cũng không hẳn chỉ là bắt chước lẫn nhau. Con người ta không phải bỗng dưng nhảy vào lửa một cách vô cớ. Có một khuôn mẫu chung nào đó về những người chắc chắn không tin như vậy trên khắp thế gian này.
Chắc chắn câu hỏi ở đây không phải là liệu trong lịch sử có những khuôn mẫu hay không, mà là liệu có một khuôn mẫu nổi bật hay không. Không thể tin vào vế trước nếu như không tin vào vế sau. Tại sao không phải chỉ là những tập hợp những hình mẫu đặt chồng lên nhau mà không bao giờ nhập vào một thể thống nhất? Làm thế quái nào một thứ đa dạng như lịch sử nhân loại lại có thể tạo nên một câu chuyện đơn giản? Việc khẳng định rằng lợi ích vật chất chính là động cơ chủ yếu trong toàn bộ quá trình từ thuở con người sống trong hang động cho đến chủ nghĩa tư bản còn đáng tin hơn là niềm tin rằng sự ăn kiêng, chủ nghĩa vị tha, siêu nhân, môn nhảy sào hay sự giao hội của các hành tinh là động cơ chủ yếu. Tuy nhiên, không thể thỏa mãn với một câu trả lời đơn giản như vậy.
Nếu điều đó làm Các Mác thỏa mãn là bởi Các Mác quan niệm rằng lịch sử không hề đa dạng và muôn hình muôn vẻ như bề ngoài của nó. Lịch sử thậm chí còn là một câu chuyện kể đơn điệu hơn nhiều so với hình dung của mọi người. Thực ra cũng có một sự nhất quán trong đó, nhưng không phải là một dạng nhất quán mang lại cho ta sự thú vị giống như tác phẩm Ngôi nhà hoang vắng hay bộ phim Giữa trưa đã có. Phần lớn những nội dung kết nối sự thống nhất đó là sự khan hiếm, lao động nặng nhọc, bạo lực và bóc lột. Mặc dù những điều này tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng chính chúng đặt nền móng cho các nền văn minh trong lịch sử nhân loại. Chính sự tái diễn tối tăm ngu muội này đã khiến cho lịch sử nhân loại có thêm nhiều sự thống nhất ngoài mong đợi. Đáng tiếc ở đây quả thực có một đại luận thuyết. Như Theodor Adorno nhận xét: “Tất cả mọi thứ đều không ngừng vận động cho đến hôm nay – đôi khi dừng lại suy ngẫm – về mặt mục đích luận là nỗi thống khổ vô cùng”. Đại luận thuyết về lịch sử không phải là về tiến bộ, Lý trí hay Khai sáng. Đó còn là câu chuyện đau buồn, dẫn tới những lời sau đây của Adorno: “từ súng cao su đến bom nguyên tử”[3].
Chúng ta có thể đồng ý bạo lực, lao động nặng nhọc, áp lực xuất hiện nhiều trong lịch sử nhân loại nhưng không cần phải chấp nhận rằng đó là cơ sở nền tảng của lịch sử nhân loại. Đối với những người theo chủ nghĩa Mác, một lý do lý giải vì sao các yếu tố nói trên có vị trí quan trọng bởi chúng gắn chặt với sự sinh tồn theo quy luật tự nhiên của con người. Chúng là những đặc trưng vĩnh cửu trong cách thức con người duy trì sự tồn tại vật chất của mình. Chúng không đơn giản là sự kiện ngẫu nhiên. Chúng ta không nói đến những hành vi tàn bạo hay xâm lược rải rác đâu đó. Nếu như những thứ này có sự cần thiết nào đó, thì đó là bởi chúng ta được đặt vào trong những cơ cấu mà ở đó chúng ta sản xuất và tái sản xuất đời sống vật chất của mình. Dù có vậy đi nữa thì cũng không một người theo chủ nghĩa Mác nào lại cho rằng, những yếu tố ảnh hưởng đó quyết định bản chất của mọi thứ. Bởi nếu thế, bệnh thương hàn, mốt tóc đuôi ngựa, cơn cười thắt bụng, đạo Sufism, bản nhạc Saint Mattherv Passion nổi tiếng của Bach, và sơn móng tay bằng thứ màu tím độc hại chẳng qua cũng chỉ là sự phản ánh của động cơ kinh tế. Bất kỳ cuộc chiến nào nếu không được tiến hành vì những động cơ kinh tế trực tiếp hay bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào nếu không phản ánh được xung đột giai cấp đều không thể hiểu được.
Bản thân Các Mác dường như nhiều khi viết rằng, chính trị chẳng qua chỉ là phản ánh của kinh tế. Tuy vậy Các Mác vẫn thường xuyên nghiên cứu tỉ mỉ những động lực xã hội, chính trị và quân sự đứng đằng sau những sự kiện lịch sử mà không đưa ra gợi ý nào dù bóng bẩy nhất rằng những động cơ ấy thực chất chỉ là sự biểu hiện bề ngoài của những động cơ mang mục đích kinh tế bên trong. Những lực lượng vật chất cũng có khi để lại dấu vết trực tiếp ở những vấn đề chính trị, nghệ thuật và cả trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của chúng thường mang tính lâu dài và kín đáo hơn. Có lúc ảnh hưởng này chỉ mang tính cục bộ nhưng cũng có những lúc không thể diễn tả được sự ảnh hưởng đó bằng những thuật ngữ như vậy. Vậy thì phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa có liên quan gì đến sở thích đeo ca-vát của riêng tôi? Nó quyết định thế nào đến thú vui giải trí bay bằng tàu lượn hoặc nghe nhạc blue?
Như vậy, giản hóa luận không hiện hữu ở đây. Chính trị, văn hóa, khoa học, tư tưởng và tồn tại xã hội không đơn giản chỉ là kinh tế học biến tướng, không khác gì một số nhà thần học vẫn tuyên bố rằng, tâm trí thực chất cũng chỉ là một dạng biến hình của não bộ. Chúng có những thực tế khách quan của riêng chúng, và vận động theo những logic tự thân của chúng. Chúng không đơn giản là sự phản ánh mờ nhạt của một cái khác. Hơn thế nữa, chúng còn quyết định bản chất của bản thân phương thức sản xuất. Mối quan hệ giữa “cơ sở hạ tầng” kinh tế và “thượng tầng kiến trúc”, mà ta sẽ đề cập ở phần sau, không chỉ là mối quan hệ một chiều. Do đó, nếu ở đây ta không bàn một chút về thuyết quyết định luận cơ giới (mechanistic determinism), thì sự khẳng định sẽ là gì? Hay lại chỉ là một lời tuyên bố mờ nhạt, chung chung giống nhau như kiểu bất lực chính trị?
Lời khẳng định ở đây trước hết là một khẳng định mang tính phủ định. Chính cách thức con người sản xuất ra đời sống vật chất của mình sẽ đặt ra các giới hạn cho các thiết chế văn hóa, luật pháp, chính trị và xã hội mà con người tạo ra. Từ “quyết định” hiểu theo nghĩa đen có nghĩa là “đặt ra giới hạn”. Phương thức sản xuất không phải ra lệnh cho một loại hình chính trị, văn hóa hoặc một hệ thông tư tưởng. Chủ nghĩa tư bản không phải là sự nghiệp triết học của John Locke hoặc tiểu thuyết viễn tưởng của Jane Austen. Thay vào đó, chủ nghĩa tư bản là một bối cảnh mà ở đó hai tác giả được tỏa sáng. Cũng không phải là những phương thức sản xuất đã đẻ ra những tư tưởng hay những thiết kế đó để phục vụ cho đất nước của mình. Nếu điều đó là đúng, thì chủ nghĩa Mác sẽ trở thành cái không thể đạt được. Sẽ mãi là điều bí ẩn đối với nơi các rạp hát ngoài trời của những người vô chính phủ xuất hiện; hay làm thế nào mà Tom Paine viết nên một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại – một cuốn sách mang tính cách mạng có nhan đề Quyền của con người của ông ngay trong lòng một nhà nước cảnh sát hà khắc như nước Anh hồi đó. Dù vậy, ta vẫn thấy ngạc nhiên khi khám phá rằng, nền văn hóa Anh chẳng có gì ngoài những người như Tom Paine và các nhóm kịch vô chính phủ. Hầu hết các tiểu thuyết gia, các học giả, các nhà quảng cáo, báo chí, giáo viên, các đài truyền hình không sản xuất ra những tác phẩm mang tính chất lật đổ tình trạng hiện thời. Điều đó quá hiển nhiên đến nỗi không làm cho chúng ta thấy có ý nghĩa gì. Quan điểm của Các Mác đơn giản nó không phải là ngẫu nhiên. Chính từ đây chúng ta có thể phát biểu một cách có hệ thống cho một phương diện tích cực hơn trong sự khẳng định của Các Mác. Nói tổng quát hơn, văn hóa, luật pháp và chính trị của xã hội có giai cấp gắn chặt với lợi ích của các giai cấp xã hội thống trị. Như Các Mác viết trong Hệ tư tưởng Đức: “Giai cấp nào là lực lượng vật chất thống trị trong xã hội thì đồng thời là lực lượng tinh thần thống trị xã hội ấy”.
Nếu tĩnh tâm suy nghĩ một chút thì hầu hết mọi người sẽ đồng ý rằng, sản xuất vật chất xuất hiện rất nhiều trong lịch sử loài người. Nó ngốn những nguồn tài nguyên vô tận về thời gian và sức lực, châm ngòi cho các cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, chiếm đoạt số phận của rất nhiều con người từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, và khiến cho không ít trong số đó phải đối đầu với vấn đề sinh tử. Thật ngạc nhiên nếu như sản xuất vật chất lại không để lại dấu vết nào trên các phương diện khác nhau của tồn tại nhân loại. Các thiết chế xã hội khác hấy mình bị cuốn vào quỹ đạo của nó. Sản xuất vật chất chi phối chính trị, pháp luật, văn hóa và tư tưởng bằng cách đòi hỏi rằng thay vì tự phát triển bản thân, chúng cần phải dành hết thời gian để hợp pháp hóa cái trật tự xã hội hiện hành. Lấy ví dụ về chủ nghĩa tư bản đương đại, trong đó dạng thức hàng hóa làm vấy bẩn lên mọi thứ, từ thể thao đến tình dục, từ làm thế nào để xoay sở được một chỗ tốt nơi thiên đường cho đến những tiếng chói tai của các phóng viên truyền hình Hoa Kỳ cố công lôi kéo sự chú ý sự chú ý của công chúng vì mục đích quảng cáo. Bằng chứng thuyết phục nhất đối với học thuyết lịch sử của Các Mác chính là xã hội tư bản gần đây. Có cảm tưởng rằng, càng ngày học thuyết lịch sử của Các Mác càng đúng với thực tế. Chính chủ nghĩa tư bản, chứ không phải là chủ nghĩa Mác, mới theo giản hóa luận kinh tế. Chỉ có chủ nghĩa tư bản mới tin vào sản xuất vì lợi ích của sản xuất; và tin vào nội hàm hẹp hơn của từ “sản xuất”.
Trái lại, Các Mác tin vào sản xuất là vì lợi ích của chính sản xuất theo một nội hàm rộng lớn hơn của từ này. Ông lập luận rằng, sự tự phát triển bản thân của con người cần được đánh giá là một mục đích tự thân của con người cần được đánh giá là một mục đích tự thân, thay vì quy nó là công cụ phục vụ cho một mục đích khác. Theo Các Mác điều này là không thể nếu vẫn bị chi phối bởi nội hàm hẹp hơn của sản xuất vì lợi ích của sản “xuất”; bởi lúc đó hầu hết nguồn lực sáng tạo của con người sẽ dành để sản xuất ra các phương tiện sinh sống, thay vì làm đẹp thêm cuộc sống. Phần lớn nội dung của chủ nghĩa Mác có thể thấy trong sự tương phản giữa hai cách dùng của cụm từ “sản xuất vị sản xuất” này: một mang ý nghĩa kinh tế, và một mang ý nghĩa sáng tạo và thẩm mỹ. Vì không hề là một nhà giản hóa luận kinh tế nên Các Mác nghiêm khắc lên án việc đơn giản hóa hoạt động sản xuất của con người chỉ ở máy kéo và tuốc bin. Hoạt động sản xuất mà Các Mác quan tâm gần gũi với nghệ thuật hơn là chỉ có lắp ráp những chiếc rađiô bán dẫn hoặc giết mổ cừu. Chúng ta sẽ quay lại chủ đề này sau.
Quả đúng là Các Mác luôn nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của kinh tế (theo ý nghĩa hẹp của từ này) trong suốt lịch sử nhân loại cho đến ngày nay. Tuy thế, đây không phải là một niềm tin mà chỉ những người theo chủ nghĩa Mác mới có. Cicero đã phát biểu rằng, mục đích của nhà nước là bảo vệ quyền tư hữu. Học thuyết lịch sử “kinh tế” là rất phổ biến ở thời kỳ Khai sáng thế kỷ XVIII. Nhiều nhà tư tưởng thời Khai sáng nhìn nhận lịch sử là sự tiếp nối các phương thức sản xuất. Họ cũng tin rằng điều này có thể vận dụng để giải thích địa vị xã hội, lối sống, bất bình đẳng xã hội và các mối quan hệ trong gia đình và nhà nước. Adam Smith coi mỗi giai đoạn phát triển cự thể trong lịch sử là để tạo ra những dạng thức luật pháp, sở hữu và nhà nước của chính giai đoạn đó. Jean-Jacques Rousseau cũng lập luận trong tác phẩm Bàn về bất bình đẳng rằng, sở hữu mang đến chiến tranh, bóc lột và xung đột giai cấp kể từ khi nó xuất hiện. Ông còn khẳng định rằng, cái gọi là khế ước xã hội thực chất cũng là một sự lừa gạt, bị vi phạm bởi chính kẻ giàu để bảo vệ đặc quyền, đặc lợi của chúng đối với người nghèo. Rousseau còn nói xã hội con người ngay từ đầu đã trói buộc kẻ yếu và trao quyền cho kẻ giàu - những quyền “hủy hoại tận gốc rễ những quyền tự do tự nhiên, thiết lập vĩnh viễn luật sở hữu và bất bình đẳng... và chỉ vì lợi ích của một nhóm nhỏ những kẻ tham vọng, kể từ đó bắt nhân loại phải chìm trong thống khổ, nô lệ và khốn cùng”[4]. Theo Rousseau thì luật pháp nói chung là ủng hộ kẻ mạnh, chống kẻ yếu; công lý chủ yếu đóng vai trò phương tiện của bạo lực và thống trị; còn văn hóa, khoa học, nghệ thuật và tôn giáo được sử dụng để bảo vệ và duy trì nguyên trạng, có chăng chỉ để tung cao “những vòng hoa” trên những gông cùm đang nhấn đầu con người cúi xuống. Rousseau khẳng định rằng, chính quyền sở hữu mới là căn nguyên gây ra tình trạng bất mãn của con người.
Nhà kinh tế học vĩ đại người Ailen thế kỷ XIX John Elliot Cairnes người từng quan niệm chủ nghĩa xã hội là “chồi cây sum sê của sự ngu dốt về kinh tế” và còn được coi là chính thống nhất trong tất cả các nhà kinh tế học cổ điển, nhận xét rằng, “lợi ích vật chất có tầm ảnh hưởng thật lớn, nó quyết định ý kiến và hành vi chính trị của con người”[5]. Và trong Lời tựa cuốn Quyền lực Nô lệ, John Elliot Cairnes viết: “tiến trình lịch sử chủ yếu được định đoạt bởi hành vi xuất phát từ nguyên nhân kinh tế”. Một người đồng hương của ông W.E.H.Lecky, sử gia người Ailen vĩ đại nhất thời ấy đồng thời cũng là một người phản đối chủ nghĩa xã hội khét tiếng, đã viết rằng: “hầu như không có cái nào góp phần hình thành nên loại hình xã hội nhiều như các bộ luật quy định quyền kế thừa tài sản”[6]. Ngay cả Sigmund Freud cũng trung thành với một hình thức quyết định luận kinh tế nhất định. Ông cho rằng, nếu không tồn tại như cầu được lao động, con người chúng ta sẽ chỉ nằm ườn một chỗ suốt ngày, rồi tìm mọi cách nuông chiều nhu cầu thỏa mãn dục tính một cách không biết hổ thẹn. Nhờ quy luật kinh tế tất yếu, con người mới thoát ra khỏi thói biếng nhác cố hữu, để rồi được thúc đẩy tham gia vào các hoạt động xã hội.
Xin trích dẫn bình luận ít người biết sau đây của nhà duy vật lịch sử để làm ví dụ:
“Cư dân [của xã hội con người] phải trải qua những giai đoạn khác nhau, người đi săn, người chăn cừu, và người nông dân, đến khi tài sản trở nên đáng giá, hệ quả là tạo ra nguyên nhân gây bất công. Khi luật lệ được đặt ra để kìm chế thương tật và đảm bảo sự chiếm hữu, con người ta dưới sự bảo vệ của những luật lệ này, lại trở nên bị chiếm hữu bởi sự dư thừa vật chất, dẫn tới thói xa hoa và nhu cầu cung cấp không ngừng, và khi đó các ngành khoa học trở nên cần thiết và hữu ích, nhà nước sẽ không thể tồn tại nếu thiếu những thứ đó...”[7].
Đó không phải là những nhận xét của người theo chủ nghĩa Mác với lối tán tụng nhạt nhẽo cổ lỗ, mà chính là những suy ngẫm của nhà văn người Ailen thế kỷ XVIII là Oliver Oldsmith, một thanh viên đầy nhiệt huyết của Đảng Bảo thủ Anh. Nếu như dân tộc Ailen dường như có xu thế ủng hộ cái gọi là học thuyết lịch sử kinh tế, thì đó là vì cuộc sống rất khó khăn ở một thuộc địa nghèo xơ, nghèo xác, bị đô hộ bởi tầng lớp có ruộng đất người Ănglô – Ái Nhĩ Lan, và bỏ qua mọi vấn đề bức xúc đó. Ở Anh, do cấu trúc thượng tầng văn hóa phức tạp thời đó, nên các vấn đề kinh tế rõ ràng ít đau đớn hơn đối với các thi sĩ và các sử gia. Nhưng ngày nay, rất nhiều người trong đó đã từng chối bỏ một cách đầy khinh thị học thuyết lịch sử của Các Mác sẽ hành xử trước toàn thế giới như thể lý thuyết ấy là đúng. Họ là các chủ ngân hàng, những cố vấn tài chính, quan chức bộ tài chính, tổng giám đốc các tập đoàn và những người tương tự. Tất cả những gì mà họ đang làm đều minh chứng cho lòng trung thành của họ dành cho ưu tiên kinh tế. Tất cả bọn họ, không trừ một ai, đều là những nhà Mác-xít tự nguyện.
Cũng cần phải nói thêm rằng, với một sự cân đối thú vị, “lý thuyết kinh tế của lịch sử” đã được ra đời ở Manchester, thành trì của chủ nghĩa tư bản công nghiệp. Ph.Ăngghen nhận xét, chính thời gian sống tại đây khiến ông lần đầu tiên ý thức được tính chất trung tâm của kinh tế. Do cha của ông, như chúng ta đã biết, sở hữu một nhà máy dệt, và chính cái nhà máy ấy đã nuôi nấng Ph.Ăngghen và Các Mác về sau này, thì sự hiểu biết sâu sắc này có thể được ươm mầm ngay trên quê hương của chính nó. Gia đình Ph.Ăngghen giàu có đã đóng vai trò hạ tầng cơ sở vật chất cho kiến trúc thượng tầng của Các Mác.
Khẳng định rằng, với Các Mác, tất cả mọi thứ đều do “kinh tế” quyết định sẽ là đơn giản hóa quá mức một cách ngớ ngẩn. Bởi theo Các Mác, cái hình thành nên lịch sử là đấu tranh giai cấp; mà giai cấp thì không thể quy gọn về các yếu tố kinh tế. Đúng là Các Mác coi giai cấp chủ yếu là nhóm người đứng cùng một vị trí trong một phương thức sản xuất. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là chúng ta nói về các giai cấp xã hội chứ không phải là các giai cấp kinh tế. Các Mác đã viết về các mối mối quan hệ sản xuất “xã hội” và cũng bàn về cách mạng “xã hội”. Nếu các mối quan hệ xã hội của sản xuất có vị trí ưu tiên hơn so với lực lượng sản xuất, thì khó mà thấy rằng cái có tên là “kinh tế” trở thành động lực cơ bản của lịch sử.
Giai cấp không chỉ tồn tại trong các hầm mỏ và các văn phòng bảo hiểm. Giai cấp cũng là những tổ chức xã hội, những cộng đồng và rất nhiều các thực thể kinh tế nữa. Giai cấp bao hàm những tập tục, truyền thống, những thiết chế xã hội, tập hợp các giá trị và thới quen tư duy. Giai cấp còn là một hiện tượng chính trị. Thực tế thì, trong các tác phẩm của Các Mác đã có những gợi ý rằng, một giai cấp thiếu đại diện chính trị sẽ không còn là một gia cấp đúng nghĩa đầy đủ. Dường như theo Các Mác, giai cấp chỉ thực sự là giai cấp khi nó có ý thức về bản thân nó. Giai cấp còn bao hàm các quá trình luật pháp, xã hội, văn hóa, chính trị và tư tưởng. Trong các xã hội tiền tư bản chủ nghĩa, như Các Mác đã lập luận, chính những yếu tố phi kinh tế kể trên có tầm quan trọng đặc biệt. Giai cấp không giống nhau về hình thức, mà có rất nhiều sự phân chia bên trong và tính đa dạng. 
Bên cạnh đó, như chúng ta sẽ sớm thấy, theo Các Mác, lao động liên quan đến nhiều thứ hơn là kinh tế. Lao động ở đây bao hàm trọn vẹn lĩnh vực nhân loại học, là một ngành khoa học nghiên cứu về tự nhiên, nhân tố con người (human agency), cơ thể và nhu cầu cơ thể, bản chất của các giác quan, các quan niệm về hợp tác xã hội và sự tự hoàn thiện cá nhân. Đây không phải là môn kinh tế học theo cách hiểu của tờ Thời báo Phố Wall. Cũng như độc giả sẽ chẳng đọc được gì nhiều về loài người trên tờ Thời báo Tài chính. Lao động còn bao hàm các vấn đề như giới, quan hệ máu mủ và tình dục. Trước hết sẽ có câu hỏi là người lao động được tạo ra như thế nào, và người lao động được duy trì đời sống vật chất và bổ sung tinh thần ra sao? Sản xuất được tiến hành trong các dạng thức cụ thể của đời sống, và do đó chứa đựng nội dung xã hội phong phú. Bởi vì lao động luôn mang ý nghĩa quan trọng, và con người lại là loài động vật có ý nghĩa (theo nghĩa đen là biết biểu hiện), do đó lao động không bao giờ đơn thuần chỉ là một sự việc mang tính kỹ thuật hoặc vật chất. Ta có thể nhận thấy điều này là cách cầu Chúa, ngợi ca Tổ quốc, hay cách uống bia chùa. Nói tóm lại, kinh tế luôn bao hàm nhiều thứ hơn bản thân kinh tế. Nó không đơn giản là vấn đề thị trường phản ứng như thế nào. Khái niệm này còn liên quan đến cách thức ta trở thành con người như thế nào, chứ không chỉ cách thức làm thế nào chúng ta trở thành những nhà môi giới chứng khoán[8].
Do đó, giai cấp không đơn thuần mang tính kinh tế, không khác gì tình dục mang tính cá nhân. Trên thực tế không phải bất cứ cái gì cũng quy về kinh tế. Kể cả những đồng xu có thể được sưu tập và trưng bày trong tủ kính, để rồi được ngưỡng mộ vì những giá trị thẩm mỹ của nó, hay là bị nung chảy để lấy kim loại. Nói đến tiền là để hiểu được tại sao lại quy hết toàn bộ sự tồn tại của con người về kinh tế như thế, bởi vì điều đó đúng là những gì đồng tiền làm được. Đồng tiền thần kỳ biết bao, nhất là khi nó có thể cô đặc khả năng vô tận của con người vào trong phạm vi bé nhỏ của nó. Quả thật là trên đời này có nhiều thứ giá trị hơn tiền bạc, thế nhưng phải nhờ có tiền con người ta mới có thể sở hữu được những thứ đó. Có tiền, người ta mới đủ sự tự tin để tham gia vào các mối quan hệ với người khác mà không phải ngượng ngùng xấu hổ nếu chẳng may rơi vào cảnh đói khát bần hàn. Có tiền, người ta có thể mua được sự riêng tư, sức khỏe, giáo dục, sắc đẹp, vị trí trong xã hội, di chuyển dễ dàng, sự thoải mái, tự do, sự tôn trọng, và thỏa mãn nhu cầu các giác quan. Các Mác đã viết rất hay trong Bản thảo kinh tế-triết học về bản chất hay thay đổi, dễ biến dạng, thuật giả kim của đồng tiền, cách bạn có thể tiến hành trò ảo thuật làm xuất hiện đống hàng hóa sang chói chỉ bằng những đồng tiền có hình thức thật tầm thường. Bản thân tiền chính là một hình thức giản hóa luận. Nó nhét cả vũ trụ vào đồng xu.
Nhưng ngay cả những đồng xu, như chúng ta biết, cũng không phải là kinh tế một cách thô thiển. Trên thực tế, “nền kinh tế” không bao giờ xuất hiện dưới dạng nguyên sơ cả. Những gì mà giới báo chí tài chính gọi là “nền kinh tế” thực ra là không có thật. Chắc chắn là chưa có ai mục sở thị nó. Đó là sự trừu tượng hóa từ một quá trình xã hội phức tạp. Chỉ có lối tư duy kinh tế chính thống mới có xu hướng bó hẹp nghĩa của khái niệm kinh tế. Trái lại, chủ nghĩa Mác quan niệm về sản xuất theo cách bao quát, phong phú nhất. Một lý do giải thích tại sao học thuyết lịch sử của Các Mác luôn đúng, đó là hàng hóa hé lộ sự giàu có của con người. Vì vậy, con người ta đánh nhau đến chết chỉ vì đất đai, của cải, tiền bạc và vốn liếng. Không ai đánh giá kinh tế chỉ là kinh tế. Đó là vì sự tồn tại của con người bao bọc trong đó những khía cạnh khác nữa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử loài người.
Chủ nghĩa Mác thường bị buộc tội là một hình ảnh phản chiếu của những đối thủ chính trị. Cũng giống như chủ nghĩa tư bản quy nhân loại về Con người Kinh tế, thì đối thủ vĩ đại của nó cũng vậy. Chủ nghĩa tư bản thần thánh hóa sản xuất vật chất, và Các Mác cũng hoàn toàn như vậy. Tuy nhiên, ở đây đã có sự hiểu lầm quan niệm của Các Mác về sản xuất. Các Mác nhấn mạnh, hầu hết sản xuất đang diễn ra không phải là sản xuất đích thực. Theo quan điểm của ông, con người chỉ thực sự sản xuất khi họ tự do thực hiện và vì lợi ích của chính họ. Và điều này chỉ thực sự xảy ra trong chế độ cộng sản chủ nghĩa, nhưng đồng thời, chúng ta vẫn có thể thưởng thức sự sáng tạo ấy dưới hình thức sản xuất chuyên môn hóa mà chúng ta gọi là nghệ thuật. Các Mác viết: John Milton “tạo ra tác phẩm Thiên đường đã mất với cùng lý do như con tằm nhả kén. Đó là một hoạt động thuộc đúng bản chất của ông ta”[9]. Nghệ thuật là một hình ảnh của lao động không bị tha hóa. Chính vì thế mà Các Mác từng mô tả là hình thành sự “trọn vẹn nghệ thuật” và được ông viết bằng văn phong gọt dũa kỹ càng (không giống rất nhiều học trò của ông sau này). Nhưng mối quan tâm về nghệ thuật của Các Mác không chỉ là lý thuyết Các Mác đã từng viết thơ tình, một cuốn tiểu thuyết hài dang dở, một đoạn kịch thơ và một bản thảo viết tay chưa công bố bàn về nghệ thuật và tôn giáo. Các Mác còn dự định ra một tạp chí phê bình kịch nghệ và một chuyên luận về mỹ học. Các Mác có một kiến thức uyên thâm về văn học thế giới.
Lao động hiếm khi có một hình thức hoàn chỉnh. Một mặt lao động thường mang tính ép buộc đó chỉ đơn giản là nhu cầu không bị chết đói. Mặt khác, lao động diễn ra trong xã hội có giai cấp, và do đó, nó không chỉ là một mục đích tự thân mà còn là một phương tiện phục vụ cho quyền lực và lợi ích của kẻ khác. Với Các Mác, cũng như với bậc thầy Aristotle của ông, một cuộc sống tốt đẹp là cuộc sống được tham gia vào những hoạt động vì lợi ích của những hoạt động đó. Những điều tốt đẹp nhất chỉ có được khi không nhằm mục đích gì cả. Chúng ta thực hiện những điều ấy chỉ đơn giản là để đáp ứng bản năng của chúng ta, chứ những điều ấy chỉ đơn giản để đáp ứng bản năng của chúng ta, chứ không phải vì nghĩa vụ, truyền thống, tình cảm, uy quyền, nhu cầu vật chất, lợi ích xã hội hay là vì sợ Đấng toàn năng. Chẳng hạn, chúng ta không có lý do gì khi chúng ta vui thú trong mối quan hệ bạn bè. Tuy nhiên, khi chúng ta làm như vậy, chúng ta đang thực hiện một khả năng vô cùng quan trọng trong “giống loài” chúng ta. Và theo quan niệm của Các Mác, đây là một dạng thức sản xuất có ý nghĩa giống ý như trồng khoai tây. Tình đoàn kết của con người là yếu tố căn bản cho sự thay đổi chính trị; nhưng cuối cùng nó phải phục vụ cho lẽ phải của chính nó. Đoạn trích cảm động sau đây từ Bản thảo kinh tế-triết học sẽ giúp thấy rõ hơn điều này: “Khi những người thợ thủ công cộng sản chủ nghĩa đoàn kết lại với nhau thì đối với họ mục đích trước hết là giáo dục, tuyên truyền... Nhưng đồng thời do đó ở họ nảy sinh nhu cầu mới, nhu cầu giao tiếp, và cải biểu hiện ra là phương tiện lại trở thành mục đích... Ở đây hút thuốc, ăn uống... đã không còn là phương tiện để kết hợp người ta lại với nhau, đã không còn là phương tiện liên kết nữa. Đối với họ sự giao tiếp, sự liên hợp thành hội, cuộc nói chuyện vẫn lại nhằm mục đích giao tiếp với nhau cũng đủ rồi; trên miệng họ tình hữu ái của con người không phải là một câu nói mà là một sự thật, và từ bộ mặt thô rám đi vì lao động của họ tỏa đến chúng ta sự cao quý của con người[10].
Do đó, đối với Các Mác, sản xuất có nghĩa là thực hiện khả năng của con người thông qua hoạt động biến đổi thực tại. Ông khẳng định trong tác phẩm Grundrisse, sự thịnh vượng đúng nghĩa là, “sự phát huy tuyệt đối nhứng tiềm lực sáng tạo của con người... nghĩa là sự phát triển của tất cả mọi khả năng con người với tư cách là một mục đích tự thân, chứ không phải được tính bằng thước đo đã định sẵn từ trước”. Các Mác viết trong bộ Tư bản, vượt lên trên lịch sử giai cấp, “sự phát triển tiềm lực của con người như là mục đích tự thân đó có thể bắt đầu một phạm vi thực sự”. Từ “sản xuất” trong các tác phẩm của Các Mác bao hàm mọi hoạt động hoàn thành ước mong của chính mình. Đó có thể là hoạt động thổi sáo, thưởng thức một trái đào, tranh cãi về Plato, nhãy một điệu vũ, đọc một bài diễn văn, tham dự chính trị, hay tổ chức một bữa tiệc sinh nhật cho con. Sản xuất không phải là vận động cơ bắp, không phải để diễu võ giương oai. Khi Các Mác bàn về sản xuất với tư cách là bản chất của loài người, ông không có ý rằng, bản chất của loài người là làm xúc xích. Lao động theo như cách ta nghĩ thông thường là một dạng thức khác hẳn (tha hóa) với những gì mà ông ta gọi “Praxis” (thói quen), một từ tiếng Hy Lạp cổ, để chỉ một hoạt động tự do, phát huy năng lực sáng tạo của con người từ đó làm thay đổi thế giới. Trong thời Hy Lạp cổ đại, từ này còn có nghĩa là hành động của một người tự do, đối lập với nô lệ.
Thế nhưng, chỉ có kinh tế theo nghĩa hẹp mới cho phép chúng ta vượt lên trên kinh tế. Bằng cách cân đối lại các nguồn lực mà chủ nghĩa tư bản đã có ý tứ tạo ra cho chúng ta, thì chủ nghĩa xã hội mới có thể làm cho kinh tế đứng ở một vị trí thứ yếu hơn. Kinh tế sẽ không biến mất, nhưng nó sẽ không là thứ gây phiền nhiễu nữa. Tận hưởng sự dồi dào sẵn có của hàng hóa vật chất không có nghĩa là lúc nào cũng phải bận tâm suy nghĩ về tiền bạc. Nó giải phóng chúng ta ra khỏi những đeo đuổi tẻ ngắt. Thay vì bị ám ảnh bởi những vấn đề kinh tế, Các Mác mong muốn một xã hội mà ở đó kinh tế không còn độc chiếm nhiều thời gian và sức lực như vậy nữa.
Chúng ta cần hiểu tổ tiên chúng ta đã phải bận tâm với vấn đề vật chất đến thế. Bởi nếu chỉ sản xuất được một chút thặng dư, hoặc chẳng có chút thặng dư nào, thì ở đó con người sẽ bị diệt vong cho dù là lao động cơ cực không nghỉ. Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản lại tạo ra một thặng dư có thể đem sử dụng để tăng sự nghỉ ngơi lên đáng kể. Điều mỉa mai là ở chỗ, chủ nghĩa tư bản tạo ra một sự giàu có này theo một cách thức luôn đòi hỏi tích lũy và mở rộng không ngừng. Nó cũng tạo ra chính nó theo những cách thức tạo ra đói nghèo và cực khổ. Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống tự cản trở chính mình. Do đó, con người hiện đại ngày nay được bao bọc trong sung túc khó hình dung đối với người săn bắt hái lượm, người nô lệ cổ đại, hay người nông nô xưa kia kết cục lại phải lao động cực nhọc và không ngừng nghỉ như các vị tổ tiên của mình xưa kia.
Tác phẩm của Các Mác luôn bàn về sự hưởng thụ của con người. Các Mác quan niệm một cuộc sống tốt đẹp không phải là cuộc sống lao động mà là nghỉ ngơi. Cụ thể là, tự thực hiện bản ngã của mình (self-realization) một cách tự do chính là một dạng thức “sản xuất”, nhưng đó không phải thứ mang tính ép buộc. Và niềm vui là cần thiết, nhất là khi con người dành thời gian để giải quyết những công việc của chính mình. Bởi vậy sẽ là ngạc nhiên nếu chủ nghĩa Mác không hấp dẫn những kẻ ăn không ngồi rồi và những kẻ rong chơi chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đó là vì muốn đạt được mục đích này, cần phải dành nhiều sức lực cho nó. Nghỉ ngơi là cái mà mỗi người phải lao động vì nó.
ĐINH XUÂN HÀ và PHƯƠNG SƠN dịch



[1] John Gray: False Dawn: The Delusions of Global Capitalism, London, 2002, p.12.
[2] Marx and Engels: Những bức thư chọn lọc (Selected Correspondence), Moscow, 1965, p.417.
[3] Theodor W.Adorno: Phép biện chứng tiêu cực (Negative Dialectics), London, 1966, p.320.
[4] Jean-Jacques Rousseau: Bàn về bất bình đẳng (A Discourse on Inequality), London, 1984, p.122.
[5] John Elliot Cairnes: Mr Comte and Political Economiy, Fortnightly Review (May 1870).
[6] W.E.H.Leckey: Những bài luận lịch sử và chính trị (Political and Historical Essays), London, 1908, p.11.
[7] Arthur Friedman (Chủ biên): Tuyển tập tác phẩm của Oliver Goldsmith – Collected Works of Oliver Goldsmith, Oxford, 1966, vol.2, p.338.
[8] Để có thảo luận thuyết phục hơn về điểm này, xem Peter Osborne: Marx, London, 2005, Ch.3.
[9] Marx: Những học thuyết về giá trị thặng dư (Theories of Surplus Value), London, 1972, p.202.
[10] “Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844”, trong Các Mác và Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, t.42, tr.195.
Share:

Chữ kí tác giả

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

TÌM KIẾM

ĐỒNG HỒ

BÀI ĐƯỢC QUAN TÂM

  • SỐ LƯỢNG BÀI VIẾT
  • SỐ LƯỢNG BÌNH LUẬN
  • SỐ LƯỢNG NGƯỜI XEM

ĐANG GHÉ THĂM

Người theo dõi

Blog Archive