DŨNG PHAN
4 lần ngồi chờ xe, tiện viết vài dòng về hai câu chuyện này cho anh em đọc chơi.
Có thể không nhiều người biết, chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 được Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền đặt tên là "Nghị quyết Quang Trung”. Hồ Hảo Hớn, tên một con đường đặt ở quận 1 nơi có lẩu bò Quang Khải mà ông anh Dương Đỗ Hoàng nhà tôi hay ngồi, chính được đặt tên theo một chiến sĩ cách mạng đã bị bắt, tra tấn nhưng vẫn không khai về nghị quyết được đặt theo tên vị hoàng đế bất khả chiến bại kia.
Vì sao lại lấy tên Quang Trung?
Vì sao lại chọn đêm giao thừa để tấn công?
Một người chỉ cần có kiến thức sơ đẳng về lịch sử Việt Nam thôi cũng đã mường tượng ra mối liên hệ. Phải, TBT Lê Duẩn đã thực hiện cuộc tấn công Mậu Thân theo đúng cảm hứng của trận đại phá quân Thanh năm Kỷ Dậu của Quang Trung hoàng đế. Khi đó Quang Trung đã tiêu diệt được Tôn Sĩ Nghị trong ngày mồng 5 Tết, ở một cuộc tiến công kéo dài từ .... ngày 30 Tết bằng cách tấn công Gián Khẩu (cửa ngõ phía Nam thành Thăng Long).
Còn gì tuyệt vời hơn, nếu sau 180 năm, có kẻ hậu thế lặp lại được cái điều mà bậc tiền nhân anh hùng kia đã từng làm. Khát vọng thống nhất, cùng khát vọng đi vào lịch sử với một chiến dịch oanh oanh liệt liệt đã dẫn đường cho TBT Lê Duẩn và trưởng ban tổ chức Lê Đức Thọ vạch nên kế hoạch tấn công miền Nam trong đêm giao thừa.
Đáng tiếc, cũng như thói duy ý chí khiến nhiều cán bộ cách mạng sau giải phóng đã đẩy nhiều người dân ở đô thị miền Nam xuống hố sâu tuyệt vọng vì mất phương hướng, thì đôi khi những ý tưởng tốt đẹp lại là lối dẫn xuống địa ngục. Thay vì một bước lên tiên để đưa Mậu Thân 1968 đặt cạnh Kỷ Dậu 1789 thì lại mọi thứ đã hóa thành địa ngục cho cả bên tấn công lẫn bên phòng thủ. Nhiều người dân thường vô tội Miền Nam đã chết một cách oan khuất. Giữa súng, giữa đạn, giữa máu, địch và ta, chỉ còn bản chất khát máu. Ở bên kia, phía miền Bắc bị rã gần như toàn bộ hệ thống tình báo, biệt động, và nhiều căn cứ địa mà miền Bắc đã phải xây dựng hơn 10 năm trước đó, chưa kể cuộc phản công của Mỹ và tướng Ngô Quang Trưởng đã giáng những đòn sấm sét khiến quân giải phóng thương vong nặng nề. Các số liệu nước ngoài chỉ ra thương vong cho Quân đội nhân dân Việt Nam lên tới 40.000 đến 58.000 quân. Và đấy là khi những bộ óc duy ý chí của miền Bắc hiểu rằng, bản chất cuộc chiến này cam go hơn cái khái niệm "Sẽ có hàng ngàn người nổi dậy" rất nhiều.
Chiến dịch thất bại ở chiến trường. Lý do thất bại, tôi sẽ phân tích ở phía sau bài viết. Nhưng một hình ảnh đã xảy ra trong cuộc chiến, làm đảo lộn thế trận, và trở thành bước ngoặt trong cuộc chiến 1954-1975 này. Họ là 3 con người đã làm thay đổi hoàn toàn Mậu Thân 1968. Đấy là đại úy biệt động quân Nguyễn Văn Lém (Bảy Lốp), tướng Nguyễn Ngọc Loan, và ký giả Eddie Adams.
Tướng Nguyễn Ngọc Loan, với một cánh tay giơ thẳng, nhắm vào đầu của Bảy Lốp và bóp cò. Lý do (chưa được kiểm chứng): trả thù cho một gia đình ở SG mà tướng Loan quen biết, đã chết trong đêm tấn công Mậu Thân. Eddie Adams chụp được khoảnh khắc viên đạn xuyên vào vỏ não của Bảy Lốp, đầu của Bảy Lốp nghiêng sang một bên và miệng méo xệch vì sức ép. Một hình ảnh khủng khiếp. Đấy là chuyện về bức ảnh xử tử trên đường phố. Ngay lập tức, bức ảnh đã lên trang nhất các báo quốc tế, làm đẩy mạnh phong trào phản chiến ở Mỹ. Còn Adams giành được giải Pulitzer trong năm 1969 về chụp hình tin tức tại chỗ.
3 con người đó, một người chết trong đau đớn, một người chết trong sự hắt hủi, người còn lại chết trong sự hối hận. Nhưng họ đã đổi màu hoàn toàn Mậu Thân 1968. Bức ảnh khiến dư luận Mỹ cảm thấy tàn nhẫn, tủi hổ, và biểu tình yêu cầu rời bỏ sự hiện diện của Mỹ ở VN . Vấn đề còn được đẩy lên cao trào, khi một luồng tin từ Nhà Trắng đã được tuồn ra, để New York Times ngày 10/3 giăng dòng tít "Tướng Westmoreland đã yêu cầu thêm 206.000 lính cho Việt Nam." Thực tế, mục đích của 206.000 lính đó hoàn toàn là vấn đề quân sự. Vì lúc này, quân đội miền Bắc đã cực kỳ tơi tả, và giới quân sự Mỹ muốn "một đòn cuối" bằng cách tung nốt lực lượng dự bị. Nhưng bức ảnh tướng Loan xử tử Bảy Lốp đã khiến dư luận Hoa Kỳ giận dữ và hoang mang, dòng tít kia thay vì được giải nghĩa theo chiều hướng quân sự về "cú đánh cuối", lại biến thành "nỗ lực tuyệt vọng về một thất bại". Vậy là, Mậu Thân 1968 từ một chiến thắng quân sự, khi đẩy lùi hoàn toàn quân giải phóng, khiến quân miền Bắc thiệt hại nặng, lại thành cảm giác thất bại cho phía Mỹ, khi cả đất nước ở bên kia bán cầu và đa phần trên thế giới tiến bộ đều phản đối Mỹ. Kết cục, miền Bắc đánh thêm một trận nữa, rồi đẩy Mỹ lên bàn đàm phán Paris.
Rồi đây, lịch sử chiến tranh thế giới sẽ nói rất nhiều về chiến dịch đẫm máu này. Khi lần đầu tiên trong lịch sử loài người, vai trò của giới truyền thông có thể làm biến đổi chiến lược cả một cuộc chiến. Napoleon, Alexsandro đại đế hay Quang Trung, những thiên tài quân sự ở dưới nấm mồ cũng không thể tưởng tượng ra chuyện này.
Ngày 27/1/1973, ngày hiệp định Paris được ký kết, đồng minh rút khỏi miền Nam, cỗ quan tài Việt Nam Cộng Hòa được đóng chiếc đinh đầu tiên. Trước khi kết thúc tất cả vào ngày 30/4/1975. "Ngụy sẽ nhào" khi "Mỹ cút". Khẩu hiệu của miền Bắc theo bài thơ của Hồ Chủ Tịch ứng nghiệm. Tổng bí thư Lê Duẩn, tưởng như sẽ bị nhắc về như người lãnh đạo đã phạm một sai lầm chết người về chiến thuật, lại mang về một chiến thắng bất ngờ ở tầm chiến lược. Một chiến thắng mà tôi tin, nằm ngoài suy nghĩ của ông.
Đến đây, tôi đã phân tích về chiến thắng Mậu Thân ở tầm chiến lược. Vậy vì sao Mậu Thân thất bại ở tầm chiến thuật?
Hãy quay về đầu câu chuyện. Lịch sử là bài học của tiền nhân, nhưng phải nhớ rằng khi học từ bài học lịch sử, cũng cần lấy hoàn cảnh mà áp dụng. Bài viết này tôi chỉ ra các vấn đề, cũng mong người đọc hiểu được để đừng đi nhìn mọi thứ theo một phía, dẫn tới áp dụng sai trong cả lời nói lẫn việc làm.
Cố tổng bí thư Lê Duẩn lấy đúng bài học chiến thuật quân sự của Quang Trung. Sự kì vĩ của Ngọc Hồi - Đống Đa với cảnh Quang Trung áo bào đẫm thuốc súng bước vào thủ đô đã che đi một kế hoạch đại tài khác của một vị quân sư "biết mình biết người": Ngô Thì Nhậm.
Thời điểm Tôn Sĩ Nghị theo sự dẫn đường của Lê Chiêu Thống, tấn công Thăng Long. Đại tướng Tây Sơn là Ngô Văn Sở đưa ra ý kiến: cho quân mai phục ở các điểm quanh Thăng Long, tiến đánh khi giặc chưa vào sâu. Ngô Thì Nhậm đáp lại "Lòng dân Bắc Hà vẫn còn thuộc về vua Lê, không phải Tây Sơn. Ngài cứ áp dụng đi. Tôi chắc chắn dân địa phương tố cáo điểm mai phục của ngài luôn." Ngô Văn Sở nghe lời Ngô Thì Nhậm, rút quân về Tam Điệp, đợi Quang Trung từ Phú Xuân ra phân phó, Quang Trung lập tức khen hay. Phần còn lại như chúng ta biết, quân Tây Sơn ăn Tết ở Thăng Long.
Ở đây, chúng ta thấy rõ một sự tương đồng sau 180 năm. Khi TBT Lê Duẩn và bộ sậu của ông tin rằng nếu nổ súng, sẽ có sự vùng lên của hàng triệu người dân Miền Nam. Đấy cũng chính là suy nghĩ của Ngô Văn Sở hồi xưa. Quang Trung, trong quá trình hành quân, và cả sau đó khi lấy được Bắc Hà mới bắt đầu thể hiện tầm chính trị sâu xa khi thu phục Nguyễn Thiếp, và sử dụng các nho sĩ Bắc Hà, để thu phục lòng dân. Thực tế tương tự, lòng dân Sài Gòn khi đó (và cả bây giờ khi đa phần họ đã không còn ở đất nước), đều chưa bao giờ 100% nhìn về Hà Nội. Lòng dân miền Nam luôn ở thế giằng co như thế, thì sao có thể có được sự vùng lên? Đã không vùng lên, thì những chiến sĩ biệt động quân, những người lính Bắc Việt có khác gì những chú sư tử cô đơn đâm đầu tự sát giữa bầy sói: họ không thể phản công nổi. Bao nhiêu lớp chiến sĩ đã ngã xuống, cũng vì sự cô đơn đó. Hình ảnh tướng Loan lạnh lùng tử hình Bảy Lốp còn cho thấy một sự hận thù mang tính sâu sắc vô ngần (đến giờ vẫn nằm trong chuyện hòa hợp dân tộc). Thất bại quân sự của Mậu Thân 1968 chính vì không có một Ngô Thì Nhậm ở bên TBT Lê Duẩn khi đó.
Nhưng ngã rẽ số phận của chiến tranh Việt Nam cũng đã được phân phó. 50 năm sau nhìn lại, Mậu Thân vẫn là một chiến thắng, dù cái giá phải trả, khó nói hết bằng lời.
Vậy Lê Duẩn là người như thế nào?
Lê Duẩn, theo tôi, ông là người của lịch sử. Ông đã đứng ở bên trong pháo đài của lịch sử, nơi mà đúng - sai chỉ thuộc về góc nhìn của hậu thế, chứ không thuộc về những sự căm ghét và phủ nhận mang tính chính trị nữa. Vị trí của Lê Duẩn trong thế kỷ XX chỉ đứng sau Hồ Chủ Tịch, và chưa chắc đã đứng thấp hơn tướng Giáp hay Ngô tổng thống. Trong một giai đoạn biến động của thế giới, trong cuộc chiến tranh hiện đại đầu tiên, lại có sự tham gia của quá nhiều phe phái, ông đã thể hiện bản lĩnh khi lèo lái con tàu Việt Nam cập cảng thống nhất. Với một câu nói anh hùng đúng chất người Việt, lịch sử Việt: "Muốn thống nhất đất nước, ta không sợ Mỹ là đương nhiên, mà càng không được sợ Liên Xô và Trung Quốc". Thực tế chưa bao giờ TQ muốn nước ta thống nhất (mà giống như Triều Tiên để dễ trị). Lê Duẩn, là gặp người cứng rắn bậc nhất cho Việt Nam liền một mối, không sợ hãi. Lê Duẩn đã biết chơi một ván cờ cao tay trong một bàn cờ có sự mâu thuẫn tam giác giữa Liên Xô - Mỹ - Trung. Ông lợi dụng các cặp mâu thuẫn trong tam giác đó, mà làm ra cái lợi cho mình, và ngày 30/4/1975, bản đồ nước Việt mà Lê Duẩn đưa lại cho dân tộc chính là bản đồ của ngày hoàng đế Gia Long đăng cơ. Sau 173 năm, đi qua bao hoạn nạn lưu li, cuối cùng non sông về lại một mối. Đồng thời, ông cũng là người có sự cảnh báo rõ ràng nhất về Trung Quốc. Một chi tiết mà tôi chỉ mới biết trong lần ra Hà Nội do anh Vu Trung Thanh kể lại, đấy là HN là một trong những thủ đô hiếm hoi không có "China Town". Chúng ta để ý, New York, Tokyo, Băng Cốc ... đều có "China Town" nhưng cái nước nhỏ bé láng giềng Việt Nam bên cạnh thì nó lại không thể có nổi một China Town ở thủ đô. Bạn đủ biết là TQ nó tức cỡ nào? Cũng là cái hay của Lê Duẩn.
Tuy nhiên, tính dân tộc của tổng bí thư Lê Duẩn cũng có mặt trái. Sự duy ý chí trong trận Mậu Thân là một, hay trong cách nhìn của cá nhân tôi là về sự cứng rắn quá mức của ngài với phía Bắc Kinh sau 1975 khiến VN bước vào hai cuộc chiến tranh biên giới là hai vấn đề mà tôi luôn băn khoăn. Sau này những người kế vị ông lại mềm nhiều hơn cứng, và mối quan hệ Hà Nội - Bắc Kinh vì thế luôn là mối quan hệ nhiều uyên nguyên phức tạp. Cuối cùng, xin nói thêm một nhận định cá nhân về vị tổng bí thư rất gan lì mà cũng không kém phần yêu dân tộc này, đó là sự cực đoan của ông mang tính đế vương phong kiến và sự đề phòng Tàu ở mức rất cao, điều này áp dụng ở cả lĩnh vực kinh tế. Khi mà Đặng Tiểu Bình đã đổi mới cho Trung Quốc từ năm 1978, còn Việt Nam chỉ tiến hành xoá bỏ bao cấp khi Lê Duẩn đã rời ghế. Bao cấp, lại là nguyên nhân của đói nghèo, và những nỗi đau của các thuyền nhân vượt biên trên biển.
Lời kết:
50 năm, vừa kỷ niệm Mậu Thân, lại kỷ niệm Kỷ Dậu, tôi viết bài này cũng chỉ mong các bạn hiểu thêm một chút. Đọc về Lê Duẩn trong giai đoạn này, cũng như đọc Mậu Thân, hay Ngọc Hồi, Đống Đa, đọc về cứng lẫn mềm, chính là đọc các góc cạnh của lịch sử, mà lịch sử là bài học của tiền nhân, nên sự áp dụng sai hay đúng cho đời sau đòi hỏi tính chính xác cao. Người yêu nước, yêu dân tộc cũng nên mang tính như yêu lịch sử, đấy là bằng một trái tim nóng, và một cái đầu lạnh, khi ấy, ta sẽ không phí hoài bài học mà tiền nhân để lại.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét